Hiệp ước Trung-Xô 1945 và Sự độc lập của Mông Cổ Cộng_hòa_Nhân_dân_Mông_Cổ

Vào tháng 2 năm 1945, hội nghị Yalta đã quy định sự tham gia của Liên Xô trong chiến tranh Thái Bình Dương. Một trong số các điều kiện Liên Xô đưa ra để tham gia là sau chiến tranh, Ngoại Mông sẽ được giữ "nguyên trạng." Ý nghĩa chính xác của "nguyên trạng" trở thành một điều gây tranh cãi trong cuộc hội đàm Trung-Xô tại Moskva vào mùa hè năm 1945 giữa Stalin và phái viên của Tưởng Giới Thạch là Tống Tử Văn.

Stalin khăng khăng nói Trung Hoa Dân Quốc công nhận độc lập của Ngoại Mông, một điều đang diễn ra trên thực tế. Tưởng Giới Thạch mặc dù chống lại ý tưởng này song cuối cùng đã phải chấp thuận. Tuy nhiên, Tưởng đã nhận được một lời hứa từ Stalin là sẽ không hỗ trợ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, một phần là để trao đổi việc công nhận Ngoại Mông.

Như vậy, Hiệp ước Trung-Xô đã đảm bảo độc lập của Ngoại Mông. Nhưng nó cũng đã kết thúc hy vọng của Khorloogiin Choibalsan về việc thống nhất Ngoại Mông với Nội Mông, vùng đất vẫn nằm trong tay Trung Quốc. Choibalsan ban đầu hy vọng rằng Stalin sẽ hỗ trợ viễn cảnh Đại Mông Cổ của ông song nhà lãnh đạo Liên Xô đã hy sinh điều này vì lợi ích của đất nước mình, được đảm bảo theo Hiệp ước Trung-Xô và được hợp pháp hóa theo các thỏa thuận Yalta. Dưới ý nghĩa này, Hiệp ước Trung-Xô đã đánh dấu việc phân chia vĩnh viễn Mông Cổ thành nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ độc lập và vùng Nội Mông láng giềng.[4]